Giới thiệu lịch sử hình thành

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có diện tích tự nhiên là 23.296,47 ha, nằm phía Đông Bắc tỉnh Đăk Nông, thuộc 10 xã/3 huyện, bao gồm: Xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong); các xã: Đăk Hòa, Đăk Mol, Nâm N’Jang (huyện Đăk Song) và các xã: Đức Xuyên, Nâm N’Đir, Nâm Nung, Nam Đà, Đắk Sôr, Buôn Choah (huyện Krông Nô). Địa hình chủ yếu gồm nhiều dãy núi thấp và núi trung bình, điển hình là dãy Nam Nung có đỉnh Nam JerBri cao 1.578 m. Nơi đây có diện tích không lớn so với các Khu bảo tồn khác trong khu vực Tây nguyên, nhưng có hệ sinh thái rừng rất đa dạng và phong phú với các kiểu rừng kín thường xanh, mưa ẩm á nhiệt đới và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới. có mức độ đa dạng sinh học rất cao, là nơi phân bố của nhiều loài động vật quý hiếm hiện có trong sách đỏ Việt nam (Bò tót, Báo gấm, Vượn đen má vàng,Voọc chà vá, Khỉ đuôi lợn, Khỉ mặt đỏ…) và các loài thực vật quý, hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng (Cẩm lai, Dáng hương, Kim giao, Thông tre, Gõ đỏ, Trầm hương, Du Sam...vv).

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn, chống xói mòn, điều tiết nguồn nước cho dòng sông Krông Nô và lưu giữ nước cho các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Đăk Nông. Với ý nghĩa quan trọng của khu rừng đặc dụng Nam Nung, năm 1986 Hội đồng bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 194/HĐBT công nhận khu rừng Nam Nung là một trong 87 khu rừng cấm quốc gia, cần được bảo vệ. Năm 1996 UBND tỉnh Đăk Lắk đã ban hành Quyết định số 2067/QĐ-UB ngày 30/10/1996 thành lập Ban quản lý. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN&PTNT và sự quan tâm đặc biệt của UBND tỉnh Đăk Nông cùng với nỗ lực của tập thể cán bộ khu bảo tồn từ khi được thành lập đến nay đã chú trọng đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả nhất định, diện tích rừng và các hệ sinh thái rừng tự nhiên của Khu bảo tồn đã được bảo vệ và phục hồi, phát triển tốt, hạn chế tối đa các hoạt động tiêu cực tác động trực tiếp, gián tiếp vào khu bảo tồn.

1. Vị trí địa lý, địa hình

a) Vị trí địa lý

Khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đăk Nông, phân bố trên địa bàn của 7 xã thuộc 3 huyện: Đăk Glong, Krông Nô và huyện Đăk Song - Tỉnh Đăk Nông, cách Thành phố Buôn Ma Thuột 100 km về phía Nam và cách thị xã Gia Nghĩa 30 km về phía Bắc chia làm 2 khu vực:

- Về địa giới:

+ Phía Bắc: Khu vực 1 giáp lâm phần của Công ty TNHH MTV Nam Nung thuộc địa giới hành chính xã Nâm N’Đir và xã Nâm Nung, huyện Krông Nô và khu vực 2 giáp khu dân cư thôn Đức Lập xã Đăk Sôr huyện Krông Nô

+ Phía Đông: Khu vực 1 giáp lâm phần của Công ty TNHH MTV Quảng Đức thuộc địa giới hành chính xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô; giáp lâm phần của Công ty TNHH MTV Quảng Sơn thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn huyện Đăk Glong và khu vực 2 giáp xã Buôn Choah, huyện Krông Nô.

+ Phía Tây: Khu vực 1 giáp lâm phần của Công ty TNHH MTV Đức Hòa thuộc địa giới hành chính xãĐăk Hoà, Đăk Mol, huyện Đăk Song và khu vực 2 giáp lâm phần UBND xã Đăk Sôr quản lý.

+ Phía Nam: Khu vực 1 giáp lâm phần của Công ty TNHH MTV Đăk N’Tao thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong và xã Nâm N’Jang, huyện Đăk Song  và  khu vực 2 giáp lâm phần Công ty TNHH TMDV SXKS Phú Gia Phát thuộc địa giới hành chính xã Nam Đà, huyện Krông Nô.

- Toạ độ địa lý:

+ Khu vực 1: Từ 12° 12' đến 12° 20' Vĩ độ Bắc. Từ 107° 44' đến 107° 53' Kinh độ Đông.

+ Khu vực 2: 12030’ đến  12033’ Vĩ độ Bắc. Từ 107052’ đến 1070 59’ Kinh độ Đông.

b) Đặc điểm địa hình:

* Khu vực 1:

  Nằm ở nơi tiếp giáp giữa Cao nguyên Đăk Lắk với vùng chuyển tiếp của Cao nguyên Lâm Đồng. Là khu rừng gồm nhiều dẫy núi có độ cao trung bình từ 1.000 đến 1.200 m, điển hình là dãy Nam Nung có đỉnh Nam JerBri cao 1.578 m, thấp nhất là vùng đất phía Bắc với độ cao 510 m. Nhìn tổng thể địa hình  như một mái nhà, thấp dần về 2 phía Đông Bắc và phía Tây Nam, với kiểu địa hình núi trung bình là chủ yếu. Trong phạm vi lâm phần của Khu bảo tồn có thể được chia ra 2 kiểu địa hình chính sau:

- Kiểu địa hình núi trung bình (N2), chiếm 75,5% diện tích tự nhiên. Phân bố gần như  toàn bộ Khu bảo tồn, có độ cao từ  700 -1.200 m, độ dốc phổ biến từ 25 đến 30°;

- Kiểu địa hình núi thấp (N3), chiếm 24,5% diện tích tự nhiên. Phân bố chủ yếu ở tiểu khu 1303 và một phần của tiểu khu 1303, 1316 và 1321. Đặc điểm của kiểu địa hình này có độ cao từ 500-700 m, độ dốc bình quân từ 15 đến 20°.

* Khu vực 2

Địa hình ưu thế dạng đồi núi thấp, khá bằng phẳng, mức độ chia cắt trung bình và có xu hướng thoải dần về lưu vực Sông SêrêPôk (phía Đông và Đông Bắc); khu vực giáp sông SêrêPôk có địa hình chia cắt mạnh tạo thành các bờ vực sâu. Có độ dốc biến động bình quân từ 30 - 150, độ cao trung bình so với mặt nước biển khoảng 300 - 460m.

2. Khí hậu

* Khu vực 1

Khu vực này chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa, khí hậu Cao nguyên. Một năm có 2 mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lâm nghiệp theo mùa vụ.

- Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 21°C đến 25°C. Tháng có nhiệt độ cao nhất 36°C (tháng 5). Tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 1, nhiệt độ trung bình là 16°C, riêng khu vực đỉnh Nam JerBri cao 1.578 m có nhiệt độ dưới 15°C.

- Lượng mưa: Tổng lượng mưa trung bình 2.400 mm/năm; biến động từ 2.000-2.500 mm/năm. Lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 70- 75% lượng mưa cả năm. Các tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 6,7 và 8. Tháng có lượng mưa thấp nhất là tháng 12 và tháng 1 năm sau.

- Độ ẩm bình quân năm: 83%, độ ẩm cao nhất vào các tháng mùa mưa từ 87%, các tháng mùa khô có độ ẩm tương đối thấp nhất 71%.

- Chế độ gió: Hàng năm có 2 hướng gió chính, các tháng mùa khô có hướng gió chính là gió mùa Tây Nam, các tháng mùa mưa hướng gió thịnh hành là gió mùa Đông Bắc.

* Khu vực 2

Thuộc vùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm (tiểu vùng khí hậu Ib), đồng thời chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam khô nóng do vậy khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 10 (chiếm đến 90% tổng lượng mưa của cả năm) và mùa khô bắt đầu từ tháng 11 cho đến tháng 4 năm sau.

- Lượng mưa trung bình năm đạt từ 1.600 - 1.700mm, lượng mưa tập trung nhiều nhất vào tháng 7,8,9 và ít nhất vào tháng 1 và 2.

- Nhiệt độ trung bình năm là 23,80C, tháng nóng nhất là các tháng 1, 2 và 3, tháng lạnh nhất là tháng 11 và tháng 12;

- Tổng số giờ nắng trong năm vào khoảng 2.000 - 2.300 giờ;

- Tổng tích ôn khoảng 8.0000C;

- Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm biến động từ 3 - 50C, trong khi đó biên độ nhiệt ngày đêm lại rất cao, đặc biệt là vào mùa khô biên độ nhiệt giữa ngày và đêm có thể lên đến 150C

- Độ ẩm không khí trung bình cao 82%.

- Độ bốc hơi mùa khô từ 14,6 - 15,7mm/ngày và độ bốc hơi mùa mưa từ 1,5 - 1,7mm/ngày.

- Hướng gió thịnh hành trong mùa mưa là gió mùa Tây Nam và trong mùa khô là gió mùa Đông Bắc, thời điểm chuyển tiếp có gió Đông và Đông Nam, tốc độ gió trung bình là 2,2 m/s.

3. Thủy văn

- Khu vực 1: có 2 hệ thống suối chính có nước quanh năm. Sườn phía Bắc có hệ suối Đăk Prí, sườn phía Nam có hệ suối Đăk N’tao. Cả hai hệ suối này đều chảy theo hướng Đông Bắc và hợp thủy với sông Krông Nô, là nơi cung cấp nước tưới chủ yếu cho sản xuất NLN và thủy điện.

- Khu vực 2: Dòng sông Sông SêrêPôk bao quanh chiến 1/3 ranh giới lâm phần, ngoài ra còn có một hệ thống đầm lầy, hồ nước và khe suối phân bố tương đối đều trên toàn bộ lâm phần.

(Nguồn: Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đăk Nông)

4. Địa chất và thổ nhưỡng

Khu BTTN Nam Nung có các loại đất chính sau:

- Đất Feralit mùn vàng đỏ phát triển trên đá Mác ma axít (FHa):

+ Diện tích chiếm 38,9% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở vùng trung tâm và sườn phía Tây Khu bảo tồn và trên các đường phân thuỷ, trên đỉnh của các dãy núi cao trên 1.200 m;

+ Đặc điểm: Được hình thành trong các điều kiện khí hậu lạnh, ẩm, nên thường xuyên có tầng thảm mục thô chưa phân huỷ dày từ 5 - 8 cm, đất tơi xốp và chua (PHkcl từ 4,0- 4,6), thành phần cơ giới thịt trung bình và thịt nặng. Loại đất này thích hợp cho kiểu rừng kín thường xanh Á nhiệt đới và rừng kín hỗn giao cây lá rộng lá kim Á nhiệt đới núi thấp.

- Đất Feralit mùn vàng đỏ phát triển trên đá sét biến chất (FHs):

+ Diện tích chiếm 44,4% diện tích tự nhiên. Phân bố chủ yếu ở sườn và chân núi Nam JerBri về phía xã Nâm Nung và Đức Xuyên;

+ Đặc điểm: Đất ít chua, thành phần cơ giới thịt nhẹ, thịt trung bình, tầng mùn mỏng. Loại đất này thích hợp cho kiểu rừng lá rộng thường xanh và rừng nửa rụng lá.

- Đất Feralit nâu đỏ phát triển trên đá Mác ma kiềm trung tính (Fk):

+ Diện tích chiếm khoảng 14,4% diện tích tự nhiên của Khu bảo tồn. Phân bố chủ yếu ở sườn Tây Nam dãy Nam Nung về phía xã Quảng Sơn;

+ Đặc điểm: đất có tầng dày (>100 cm), hơi chua ( PHkcl <5,5), thành phần cơ giới thịt nhẹ hoặc thịt trung bình, hàm lượng hữu cơ trong đất tương đối cao. Loại đất này thích hợp với các loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Đặc biệt là cây công nghiệp như Cà phê, Cao su, cây ăn quả...

- Đất phù sa ven sông suối (P):

+ Diện tích nhỏ chiếm khoảng 1,4% diện tích tự nhiên của Khu bảo tồn. Phân bố dọc theo các thung lũng ven sông suối;

+ Đặc điểm: đất trung tính (PHkcl 7,0- 7,2), thành phần cơ giới thịt trung bình, tỷ lệ mùn 2,7- 3,2%, độ dầy tầng đất trung bình 50- 100 cm.

Loại đất này thích hợp cho việc xây dựng các đồng cỏ tự nhiên và các loại cây trồng nông nghiệp như Lúa, Ngô, Khoai, Đậu các loại.

- Đất Feralit nâu xám phát triển trên đá Bazan và đất Feralit nâu vàng phát triển trên đá Phiến sét), có đá lộ đầu tương đối dày.