ĐIỀU TRA, ĐÁNH GIÁ HỆ ĐỘNG VẬT RỪNG TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN NAM NUNG PHỤC VỤ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO TỒN VÀ GIÁM SÁT ĐA DẠNG SINH HỌC

Điều tra, đánh giá hệ động vật rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và giám sát đa dạng sinh học giúp cho việc quản lý, bảo vệ những hệ sinh thái rừng được tốt hơn, là tiền đề cho những nghiên cứu sâu rộng về đa dạng sinh học, phát triển tài nguyên rừng…

Sự cần thiết của việc Điều tra, đánh giá hệ động vật rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung với 23.296,47 ha, thuộc địa giới hành chính của 10 xã thuộc 3 huyện (xã Đắk Môl, xã Đắk Hòa, xã Nâm N’Jang huyện Đắk Song; xã Nâm Nung, xã Nâm N’Đir, xã Đức Xuyên, Đăk Sôr, Nam Đà, Buôn Choah huyện Krông Nô; xã Quảng Sơn huyện Đắk Glong) bao gồm các trạng thái rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho phát triển rừng như: Rừng lá rộng thường xanh có diện tích 18.545,06 ha, chiếm 79,6% diện tích Khu Bảo tồn; Rừng lá rộng nửa rụng lá có diện tích 1.055,70 ha, chiếm 4,5% diện tích Khu Bảo tồn; Rừng hỗn giao có diện tích 2.787,09 ha chiếm tỉ lệ 12,0% tổng diện tích Khu Bảo tồn; Trạng thái rừng trồng: Diện tích 240,25 ha, chiếm tỉ lệ 1,0% tổng diện tích Khu Bảo tồn; Đất chưa có rừng: Diện tích 668,37 ha, chiếm tỉ lệ 2,9% tổng diện tích Khu Bảo tồn.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung đã tác động đến môi trường, cân bằng hệ sinh thái nói chung và các loài động, tực vật rừng nói riêng, đặc biệt là các laoif động, thực vật quý hiếm. Do đó, việc điều tra, khoanh vùng sinh cảnh cho một số loài động vật hoang dã quý hiếm để góp phần bảo vệ và phát triển các loài động, thực vật quý hiếm và duy trì ổn định hệ sinh thái rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Kết quả Điều tra, đánh giá hệ động vật rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung

Từ việc điều tra thực địa kết hợp với kế thừa các tài liệu hiện có đã lập được danh lục các loài động vật rừng có xương sống của Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, các danh lục được lập bao gồm Danh lục các loài thú; danh lục các loài chim; danh lục các loài bò sát, ếch nhái và danh lục các loài cá. Tổng hợp thành phần các loài động vật có xương sống tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung được trình bày cụ thể ở bảng sau:

Sinh cảnh động vật hoang dã được hiểu là nơi sinh sống của động vật hoang dã, là một phạm vi lãnh thổ nhất định với tổng hợp các yếu tố môi trường có ảnh hưởng đến sinh sống của động vật hoang dã. Những yếu tố môi trường đó bao gồm các yếu tố vô sinh, các yếu tố hữu sinh. Trong những điều kiện khác nhau, đối với mỗi loại động vật hoang dã khác nhau thì mức độ ảnh hưởng của mỗi yếu tố cũng ở những mức độ khác nhau. Trong phạm vi hẹp, đối với động vật hoang dã thì những yếu tố môi trường đó thường là những yếu tố về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn và thảm thực vật.

Tại Khu BTTN Nam Nung sinh cảnh sống và phân bố của các loài động vật rừng hoang dã phân bố đa dạng, với nhiều loài tại các tiểu khu thuộc các Trạm Kiểm lâm, Trạm Quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt có những loài được liệt kê trong sách đỏ Vệt Nam (2007) như: Chà vá chân đen (Pygathrix nemaeus nigripes); Bò tót (Bos gaurus); Rồng đất (Physignathus cocincinus), Cóc rừng (Ingerophrynus galeatus)…

Chà vá chân đen (Pygathrix nemaeus nigripes)

Cóc rừng (Ingerophrynus galeatus)

Ngoài ra, còn có các loài động vật được liệt kê trong Danh lục đỏ của IUCN (2023); Nghị định 84/2021/NĐ-CP; như: Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus); Chà vá chân đen (Pygathrix nemaeus nigripes); Rồng đất (Physignathus cocincinus);…

Cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus)

Rồng đất (Physignathus cocincinus)

Đơn vị đã tạo lập Website Đa Dạng Sinh Học Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Nam Nung https://dadangsinhhocnamnung.ifee.edu.vn/ - không gian trực tuyến giữa kho tàng về đa dạng sinh học và công nghệ quản lý rừng, góp phần nghiên cứu, khám phá và nâng cao hiểu biết sâu rộng về đa dạng động - thực vật.

Việc Điều tra, đánh giá hệ động vật rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung thực hiện trên cơ sở đối chiếu, đánh giá mức độ thích hợp của động vật hoang dã với các yếu tố cấu thành sinh cảnh bằng phương pháp ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) là hướng nghiên cứu mà khoa học phân chia sinh cảnh đang rất quan tâm.

 Kết quả phân chia sinh cảnh dựa trên cơ sở để đánh giá mức độ thích hợp của mỗi loại sinh cảnh với mỗi loại động vật hoang dã và từ đó xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển sinh cảnh động vật hoang dã ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung; đồng thời cũng mang lại ý nghĩa là góp phần phục hồi, bảo vệ và phát triển những hệ sinh thái rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung.

Nghiên cứu này cũng là tiền đề cho những nghiên cứu sâu và rộng hơn trên địa bàn tỉnh về động vật hoang dã, sinh cảnh, đa dạng sinh học và phát triển tài nguyên rừng, góp phần tham gia phát triển những ứng dụng để phục vụ cho nghiệp vụ bảo vệ động vật hoang dã, đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh./.